GIAI THOẠI DANH NHÂN NGUYỄN HÀM NINH
Tháng Mười Một 23, 2018 6:40 sángTrường THCS Nguyễn Hàm Ninh
Lớp: 6A
KỊCH BẢN
THI KỂ CHUYỆN ĐÓNG KỊCH THEO SÁCH
(Trường NHN – 10 phút)
GIAI THOẠI DANH NHÂN
NGUYỄN HÀM NINH
( Dựa theo sách “Kể chuyện các vua quan đời Nguyễn” của Phạm Khắc Hoè, “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”NXB Giáo dục, Hà Nội – 2005, Tạp chí Sông Hương – Hội VHNT Thừa Thiên – Huế ngày 07/12/2012, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình và nhiều tài liệu sách báo khác)
Nhân vật:
– Lan – HS lớp 6 trường NHN
– Ông Ngoại Lan
- Nguyễn Hàm Ninh lúc nhỏ
- Cô ruột Nguyễn Hàm Ninh
- Em trai Nguyễn Hàm Ninh
- Người hàng xóm
Bối cảnh: Tại nhà của ông ngoại Lan, có bộ bàn ghế cũ, ấm nước cũ. Ông ngoại Lan cầm cuốn sách và đọc bài thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Hàm Ninh:
Ông : Sinh ngã chi sơ nhĩ vị sinh
Nhĩ sinh chi hậu ngã vi huynh.
Nhất đường cộng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình?
Hay! Hay lắm! Đúng là một con người thông minh, cương trực, khí khái!.
(Lúc đó Lan đi học về)
Lan: Cháu chào ông ngoại, cháu đi học về!
Ông: Cháu Lan đi học về rồi đó à?
Lan: Ông ngoại ơi, ông ngoại đọc thơ gì mà cháu không có hiểu
Ông: Đó là bài thơ chữ Hán của Danh nhân Nguyễn Hàm Ninh cháu ạ!
Lan: Ôi, thích quá, thế không có bản chữ Việt hả ông?
Ông: Có chứ, để ông đọc cho cháu nghe nhé
Lạn: Ôi, ông ngoại tuyệt vời!
Ông: Ta đẻ trước khi chú chửa sinh,
Sau sinh ra chú ta làm anh
Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng
Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình!
Lan: Ý bài thơ là thế nào cháu chưa hiểu ông ạ!
Ông: À, ông sẽ kể cho cháu nghe. Câu chuyện là thế này:
Trong một đại tiệc, Vua Tự Đức không may cắn phải lưỡi, liền nói: “Trẫm không may cắn phải lưỡi đau quá, nhưng đó là đầu đề hay để làm thơ, các khanh ai làm nhanh nhất và hay nhất sẽ được trọng thưởng”. Nguyễn Hàm Ninh liền ứng khẩu đọc ngay bài thơ này. VuaTự Đức khen: “Hay! Rất hay, trẫm sẽ thưởng cho mỗi câu thơ một lạng vàng”. Nguyễn Hàm Ninh lạy vua hai lạy rồi bước về bàn tiệc của mình. Vua ngẫm nghĩ: Đúng là bậc kì tài. Cái lưỡi đẻ trước cái răng nên làm anh là đúng quá rồi. nhưng bây giờ vì miếng ăn mà răng em cắn lưỡi anh. Nghiệm lại bản thân mình, chính vua Tự Đức đã giết hết cả gia đình người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình là Hồng Bảo để giữ ngôi vua. Đau! Đau lắm. Tự Đức gọi giật giọng: “Hãy khoan! Bài thơ nhà ngươi rất hay nhưng có ác ý. Đáng lẽ phải ghép vào tội khi quân và xử trảm nhưng vì nhà ngươi là thầy dạy học của tiên đế nên trẫm chỉ phạt mỗi câu là một roi ”.
Sau vụ việc này quan hệ vua tôi ngày càng phai nhạt. Nguyễn Hàm Ninh chán cảnh ăn chơi phè phỡn của triều đình, không ngó ngàng gì đến việc nước, can gián vua không được, ông từ quan về quê cháu ạ.
Lan: Ôi, ông ngoại biết nhiều chuyện về danh nhân Nguyễn Hàm Ninh quá! Cháu yêu ông ngoại!
Ông: Thế cháu là học sinh lớp 6 của trường THCS mang tên Nguyễn Hàm Ninh, cháu biết gì về Cụ NHN nào?
Lan: Dạ thưa ông, cháu biết Cụ Nguyễn Hàm Ninh sinh năm 1808 và mất 1867. tự là Thuận Chi, hiệu là Tĩnh Trai, người làng Phù Hoá, sau dời đến làng Trung Thuần xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay mộ phần của cụ vẫn nằm ở đó ông ạ!
Ông: Cháu giỏi lắm! Cụ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 4 anh em trai, được người cô nuôi cho ăn học. Năm Kỉ Sửu (1829) đỗ Tú tài đến năm Tân Mão (1831) đỗ thủ khoa kì thi Hương, được bổ Tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)… Cụ nhiều lần bị thăng giáng chức, Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ. Cụ là bạn xướng hoạ của Cao Bá Quát. Cụ là tác giả của các tập thơ “Tĩnh Trai thi tập”, “Tĩnh trai văn tập” và rất nhiều bài văn, thơ khác cháu ạ .
Lan: Ôi, ông ngoại biết nhiều câu chuyện của Cụ Nguyễn Hàm Ninh quá, vậy, ông kể tiếp cho cháu nghe đi ông
Ông: Chuyện về Nguyễn Hàm Ninh kể mấy ngày cũng không hết cháu ạ, nhưng với lứa tuổi của cháu, ông sẽ kể cho cháu nghe vài câu chuyện của cụ lúc còn đi học. Lúc nhỏ Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng là người ham học, thông minh…Nào câu chuyện bắt đầu (hai ông cháu lui vào hậu trường. Các nhân vật thơi thơ ấu của NHN ra sân khấu).
Cô: (Đi chợ về xách cái rá nan tre) Hàm Ninh ơi! Hàm Ninh! Hàm Ninh ơi!
NHN: (lật đật chạy ra) Dạ! Thưa o, cháu đây ạ!
Cô: Cháu làm chi ngoài đó mà o kêu mãi không nghe?
NHN: Dạ cháu mải miết đọc sách, học bài nên o gọi cháu không nghe rõ ạ! Cháu xin lỗi o!
Cô: Nỏ phải hôm ni thầy cho nghỉ, răng cháu không đi đánh khăng đánh đáo với bạn mà vẫn đọc sách?
NHN: Dạ thưa o, cũng sắp đến kỳ thi rồi o ạ. Nhà cháu con đông, cháu được o nuôi ăn học, cháu phải học để thi cho đỗ để không phụ lòng thầy mẹ và o ạ!
Cô: Ôi, cháu của tui thật là thông mình và chăm học (ôm cháu vào lòng)
NHN: O đi chợ về có ghé qua nhà thầy mẹ cháu không o? Thầy mẹ, chị, và các em cháu có khỏe không o?
Cô: O có ghé thắp hương cho ông bà, cả nhà đều khỏe cháu ạ! Mà mẹ cháu có gửi về một cái bánh. Thầy cháu dặn ai lớn nhất nhà mới được ăn đó!
NHN: Rứa o tuổi chi ạ?
Cô: O tuổi Mùi
NHN: A! rứa thì cái bánh thuộc về cháu rồi, cháu tuổi Thìn! Trong 12 con giáp là Tý, sửu, dấn, mẹo, thìn, tị, ngọ, mùi…Thìn lớn hơn mùi…a ha..! (nhảy tung tăng)
Cô: (Lắc đầu) Thằng bé thật thông minh và lém lỉnh! Thôi, O cho cháu ăn cả để lấy sức học cho giỏi, o không ăn mô.
NHN: Tục ngữ có câu “ ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân” Một mình cháu ăn không ngon, phải ăn chung mới ngon o ạ!
Cô: Cha bố mi lên! Thôi, tí o cháu cùng ăn. Cháu vào học bài tiếp đi
NHN: Dạ! cháu chào o ạ!, cháu đi học bài đây (NHN nhảy cẳng xơng đi vào. Từ ngoài có một người hàng xóm chạy vào, vừa chạy vừa thở)
Hàng xóm: O ơi, o ơi….
Cô: có việc chi vậy cậu?
Hàng xóm: O ơi! Nguyễn Hàm Ninh có ở nhà không o?
Cô: Có, nó có ở nhà! Mà có việc chi không? Nó lại gây ra chuyện chi à? Khổ quá!
Hàng xóm: Ôi may quá! Cậu ấy ở nhà…
Cô: Mà có việc chi? Cậu nói tui nghe, tui nóng rọt quá!
Hàng xóm: Là..là hôm nay họ nhà con đi rước dâu ở làng Thượng sơn. Đi đến hói Kịa thì người ta…Đặt một cái hương án chắn ngang đường có mảnh giấy hồng rải trên để đòi nộp cheo ạ..(Nguyễn Hàm Ninh vội vàng đi ra)
NHN: Trên mảnh giấy hồng họ ghi chi rứa?
Hàng xóm: (đưa mảnh giấy hồng) Đây ạ! Là một vế đối, Các cụ nhà tui bảo chỉ có Nguyễn Hàm Ninh mới đối được thôi…nên phái tui tức tốc chạy về đây…nếu không đối được thì không rước dâu được cậu ạ!
Cô: Ừ, cháu coi giúp người ta đi! Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau!
NHN (cầm lên xem) “Chân giậm, tay mò bơn hói Kịa”…à, thì ra một vế đối lởm…ha ha.. sẽ có vế đối ngay thôi, (cầm tờ giấy đỏ vào trong rồi đi ra) vế đối lại đây ạ: “Má kề, miệng ngậm bống – khe Giang”.
Hàng xóm: (Cầm tờ giấy, ôm lấy NHN) Ôi, lạy trời lạy đất!Thật là một sự thông minh ứng xử tuyệt vời. Cảm ơn o, cảm ơn cậu NHN! (Người hàng xóm chạy đi. 2 cô cháu nhìn nhau cười)
Cô: Thôi, giờ cháu ở nhà một mình nhé, o vào rú kiếm ít lá thuốc!
NHN: Dạ, o cứ đi đi ạ!(O đi ra) Cháu chào o! o đi cẩn thân nha!
(Lúc đó em trai NHN là Nguyễn Hàm Trực đi vào)
NHT: O ơi, anh Hàm Ninh ơi! Cháu đến chơ đây nì
NHN: Ôi, Hàm Trực! đường sa xa xôi mà em đi một mình thôi à? Thầy mẹ, chị, và các em có khỏe không?
NHT: Khỏe cả anh ạ! Nhưng ai cũng nhớ anh cả! Anh Hàm Ninh ơi ! Răng anh không ở nhà với thầy mẹ, với các em mà sang đây ở với o? Em nhớ anh lắm! Các em Hàm Trạch, Hàm Tân ngày nào cũng gọi tên anh! (đây là đoạn diễn xúc động. Hai anh em ôm nhau sụt sịt khóc)
NHN: Anh cũng muốn ở nhà với thầy mẹ, với chị và các em lắm. Nhưng nhà ta nghèo mà thầy mẹ lại đông con. Nhà ta thì hiếu học, thầy mẹ không muốn ai bỏ học, anh là anh trai lớn phải sang ở với o để san sẻ gánh nặng cho thầy mẹ em ạ!
NHT: Ôi, em thương anh quá anh Hàm Ninh ơi, Vì sự học của các em mà anh phải xa gia đình..
NHN: Không răng mô em! Ở đây o cũng thương anh lắm!
NHT: Ôi, anh Hàm Ninh ơi! Hình như trời sắp mưa?
NHN: Chắc là sắp mưa thật, nếu rứa thì may quá! Hạn hán lâu lắm rồi…người nông dân ta không khéo mất mùa khổ lắm em ạ!
Trời nung nấu gay gắt
Hoàng Hà nước đục ngầu
Hạn hán kéo dài mãi
Nông dân biết tính sao?
Cầu cúng không tin cậy
Ai tả nỗi dân đau
Các quan chính là kẻ
Làm ra hạt mưa rào.
NHT: Thơ của anh đó à?
NHN: Ừ, thấy cảnh hạn hán mất mùa, Nông dân ta cúng cầu trời không được, thương xót quá, anh làm bài thơ này!
NHT: Bài thơ làm em xúc động quá! Mưa thật đấy anh ạ! O có phơi sắn khô ngoài vườn đó anh ạ!
NHN: Nhà Bác Tư ở bên cũng phơi sắn đầy vườn mà cả nhà e đi rú hết rồi, còn mấy đứa nhỏ, biết làm răng?
NHT: Nhưng nhà o cũng phơi sắn!
NHN: Thôi, anh em mình cứ sang cất cho nhà bác Tư đã, nhà bác ấy nghèo hơn cả nhà mình, mưa ướt hỏng hết sắn khô, lấy chi mà ăn?. (hai anh em kéo nhau đi. Cô về)
Cô: Hàm Ninh ơi! Trời mưa răng không cất sắn phơi khô hỏng hết rồi! (NHN, NHT về)
NHT: Anh Hàm Ninh bảo sang giúp Bác Tư kẻo nhà bác đi rú vắng…
NHN: Thưa o! Cháu xin lỗi o, vì cháu nghĩ, nhà mình chỉ có 2 o cháu có ướt số sắn khô đó cũng chưa chết đói. Nhưng nhà bác Tư thì cả chục con người biết lấy gì mà ăn. Cháu nghĩ từ nhà thầy mẹ cháu mà ra. Mong o tha lỗi cho cháu!
Cô: (Nắm tay 2 anh em) Ôi! Các cháu của o, các cháu nhỏ nhưng có tấm lòng thương yêu rộng lớn. Thương người như thể thương thân. O tin các cháu sẽ đỗ đạt nên người. Đó là phúc ấm của dòng họ Nguyễn Hàm nhà ta…(Cả 3 người ôm nhau thật chặt rôi đi vào. Hết cảnh ngày xưa. Ông Ngoại và Lan ra)
Lan: Ông Ngoại ơi! Chuyện Cụ Nguyễn Hàm Ninh hay và xúc động quá ông nhỉ? Lúc nào rỗi ông kể tiếp cho cháu nghe nhé!
Ông: Được, ông sẽ kể, cháu cũng nên tìm sách để đọc nhé, Đọc để biết về danh nhân NHN mà ngôi trường mình mang tên. Để mai đây lớn lên, dù có đi đâu, các cháu vẫn luôn nhớ về một ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa NHN cháu nhé!
Lan: Dạ! Cháu hứa! Cháu yêu ông ngoại! ( 2 ông cháu.,Zê)
Ông: Thưa Các thầy cô giáo và các bạn! Giai thoại Danh nhân Nguyễn Hàm Ninh là Câu chuyện mà lớp 6A chúng em“ tham gia hội thi kể chuyện đóng kịch theo sách” đến đây là hết…
Lan: Nào các bạn ơi, chúng mình cũng ra đây để hát mừng ngày Nhà giáo Việt Nam và hội thi nào! (Tất cả diễn viên ra sân khấu vỗ tay hát)
Lý kéo chài:
Ta chúc mừng nhân ngày nhà giáo.
Hãy cùng nhau vui hát mê say…hò ơ.
Mừng vui ba mươi sáu năm nay.
Kính chúc cô thầy luôn luôn mạnh khỏe.
Chúng em luôn tự hào.
Thi đua luyện rèn xứng danh lẫy lừng.
Ngôi trường Nguyễn Hàm Ninh!
Ngôi trường Nguyễn Hàm Ninh!
HẾT